Cây lá ngón là gì?
Cây lá ngón còn được gọi là đoạn trường thảo, cây rút ruột, hoàng đằng, câu vẫn, hồ mạn trường hay cỏ ngón. Tùy từng địa phương thì tên gọi của loài thực vật này sẽ khác nhau nhưng tựu chung lại thì cái tên này đều liên tưởng đến kết cục thảm khốc vì tính độc của nó.
Trong từ điển y học của Việt Nam thì cây lá ngón được phân vào nhóm cực độc bảng A với khả năng gây chết người cao. Theo các nghiên cứu khoa học thì cây lá ngón phân bổ trong các địa hình có cao độ từ 200m đến 2000m. Là loại cây dễ dàng sinh sôi, phát triển trong tự nhiên nên lá ngón có khu vực phân bố rất rộng rãi từ vùng núi phía bắc đến khu vực Nam Trung Bộ nước ta.
Đặc điểm cây lá ngón
Thân cây có các khía, cành của cây lá ngón khi mới ra có màu xanh lục nhạt không có lông, khi cành già thì chuyển dần sang màu xám nâu nhạt.
Lá ngón: mọc đối, có hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên, không có lông, da nhẵn bóng và dài tới 7cm đến 12cm.
Hoa lá ngón: mọc thành chùm đầu cành hay kẽ cánh. Mỗi bông có 5 cánh hoa màu vàng chẻ ra hình cái phễu. Tuy là loại cây độc nhưng khi cây nở hoa rất đẹp.
Quả: có hình nang, hình thon elip hay hình quả trứng. Các quả này thường nhẵn, không có lông và có màu nâu.
Hạt cây lá ngón thường nhỏ cỡ 0.5cm và có hình elip tới hình thon màu nâu nhạt. Phần giữa lá có lông, có diềm cánh mỏng xung quanh giúp phát tán theo gió. Là loài cây ưa sáng nên thường mọc chỗ đất trống, bìa rừng, ven đường
Lá ngón phân bố ở đâu?
Cây lá ngón là loại cây dây leo có thể mọc dài tới 10m, mọc xen giữa các loài cây khác hoặc bò lên nhiều thân cây lớn rất mạnh mẽ, mọc khá phổ biến ở vùng núi, vùng ven đường, khu đồi vắng của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào….
Độc tính của cây lá ngón
Trong lá ngón có thành phần các chất độc là gelsemin và kumin, là những chất gây độc cho cơ thể bằng cách tác động lên hệ thần kinh, gây biều hiện liệt cơ, khó thể, không vận động được tay chân, không mở được mắt. Thậm chí có những trường hợp bệnh nhân bị co cứng cơ, bị co giật và gây tác động đến tim mạch như rối loạn nhịp tim.
Các nghiên cứu mới cho thấy có tới 15-17 loại ancaloit được chiết xuất từ cây lá ngón như kumin, kuminicin, kumidin, sempervirin, gelmicin, gelsemin…Trong khi đó gelsemin có độc tính rất mạnh, còn các ancaloit khác có độc tính gây yếu cơ. Chất kumin và kuminin ít độc hơn và có độc tính gần giống gelsemin. Chất kuminixin độc hơn so với 2 loại trên chút và độc nhất là gelsemin. Trong một thí nghiệm nhỏ dung dịch của kumin và kuminin vào mắt thì không làm giãn đồng tử còn gelsemin và gelsemixin thì có.
Một điểm lần lưu ý là trong toàn bộ cây đều chứa các độc tính được kể ở trên và chất độc giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Độc tính trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5 đến 30 phút, thời gian tử vong trung bình từ 1 đến 7.5 giờ.
Trong từ điển Việt Nam có nhắc đến, chỉ cần ăn 3 lá cũng có thể gây nên ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên nghiên cứu về mặt chống độc cho thấy lá ngón không quá mạnh trên hệ thần kinh mà do cơ chế gây rối loại tế bào, thiếu oxy gây ra chứng liệt, co giật các cơ.
Một nghiên cứu thuộc khoa Sinh tại đại học Đà Lạt cho thấy 1 thí nghiệm: 10g lá ngón và 10g nước giã lấy nước rồi cho chuột uống 3 giọt. Chú chuột chết chỉ sau 9 phút uống nước lá ngón vì hiện tượng co giật. Với liều lượng như vậy thì con người dùng 3 lá hoặc chỉ 1 lá kèm chút rượu thì sẽ mất mạng.
Không chỉ ăn trực tiếp mà lá ngón còn độc đến nỗi chỉ cần dùng tay ngắt lá, bẻ cành rồi chất nhựa độc dính trực tiếp lên tay. Sau đó dùng tay này cầm nắm đồ ăn, tiếp xúc lên vết thương hở cũng gây ra hiện tượng ngộ độc.
Xem thêm: Thượng mã phong – Căn bệnh nguy hiểm gây đột tử khi “yêu”
Các biểu hiện khi bị ngộ độc lá ngón
Bao gồm hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau rát cổ họng, khô đắng lưỡi, lưỡi bị mất cảm giác, buồn nôn. Sau đó các biểu hiện nặng hơn hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, đau bụng, sùi bọt, buồn nôn. Nặng hơn nữa là khó thở, tim đập yếu và giãn đồng tử.
Bị ngộ độc lá ngón và cách sơ cứu
Việc đầu tiên cần duy trì ngay các chức năng sống như hô hấp. Cần tiến hành cho người bị ngộ độc nằm nghiêng, hút đờm dịch trong cổ họng. Sau đó đặt ống nội khí quản và cho người bệnh thở máy nếu thấy cần thiết. Luôn kiểm tra duy trì mạch đập, huyết áp, nhịp tim cơ thể.
Tiếp theo, sử dụng các biện pháp gây nôn để loại bỏ trực tiếp tác nhân gây ngộ độc ra khỏi cơ thể nếu bệnh nhân có thể hợp tác và trong trạng thái tỉnh táo. Bệnh nhân ngộ độc nặng bị hôn mê cần được đặt ống nội khí quản có bóng chèn rồi rửa dạ dày ngay lập tức, việc này là cấp thiết để tránh trường hợp bệnh nhân bị sặc phổi.
Than hoạt tính là 1 trong các phương pháp bác sĩ sử dụng để hấp phụ phần chất độc còn sót lại trong đường tiêu hóa của người bênh khi đã tiến hành các bước khẩn cấp trước đó.
Trong tất cả các biểu hiện ngộ độc lá ngón thì co giật chính là biểu hiện nặng nhất. Co giật gây ra suy hô hấp, rối loạn điện giải, tiêu cơ vân cấp. Cần khống chế biểu hiện co giật bằng mọi cách để tránh nguy hiểm cho bệnh nhân. Các biện pháp hồi sức hô hấp hỗ trợ người bị ngộ độc bao gồm thở máy, đặt ống thay tĩnh mạch, hồi sức tuần hoàn.
Nếu bệnh nhân hạ huyết áp thì cần được dùng thuốc nâng huyết áp. Tùy theo từng triệu chứng mà cần có các chỉ định phù hợp như điều trị rối loạn nhịp tim, truyền dịch, lợi tiểu, lọc máu, điện giải, điều chỉnh rối loạn đông máu, kháng sinh chống nhiễm khuẩn…
Để làm được những điều trên cần có đội ngũ y tế có kinh nghiệm và máy móc hiện đại hỗ trợ. Vậy nên điều quan trọng nhất là khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Thời gian chữa trị tốt nhất là trong vòng 1 giờ kể từ khi bị ngộ độc.
Vậy các bước sơ cứu đầu tiên ngay khi phát hiện người ngộ độc trước khi chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị là gì? Cần cho bệnh nhân uống thật nhiều nước và móc họng nôn ra nếu có thể. Trong một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, uống nước cốt rau má hoặc rau muống có thể làm giảm độc tính của lá ngón.
Có nên đốt cây lá ngón?
Tại các vùng miền núi Tây Bắc, hàng năm có đến vài trăm người bị ngộ độc lá ngón dẫn tới tử vong. Đa số trong đó là tự tử bằng lá ngón. Người miền núi phân biệt được lá ngón độc, nhưng vì những xung đột, bế tắc trong cuộc sống, và cũng vì lá ngón mọc phổ biến rất dễ tìm thấy mà người ta chọn lá ngón như một loại thuốc độc kết liễu sự sống.
Không chỉ con người mà các loại gia súc như trâu, bò, lợn, dê nếu ăn phải lá ngón cũng bỏ mạng. Vậy nên cây lá ngón được ví như loài cây quỷ dữ.
Trước đây, tại huyện Điện Biên Đông từng có phong trào chặt cây lá ngón nhưng rồi phải dừng ngay sau đó vì cây quá độc. Cây được chặt xong là ôm nhiễm đất nếu đem chôn, giục xuống nước thì cá chết. Mà phơi khô rồi đem đốt thì người, động vật hít khói cũng bị ngộ độc.
Không chỉ vậy, cây lá ngón sinh trưởng quá khỏe. Cây bị chặt đi chỉ một thời gian sau lại phát triển thành bụi tươi tốt. Đào gốc cây lên mà sót lại chút rễ thì mẫu rễ này sẽ phát triển tươi tốt mọc lại cây.
Mong rằng những thông tin mà Blog kiến thức chia sẻ ở trên sẽ giúp ích cho các bạn. Nếu các bạn đi rừng, cần phân biệt thật rõ cây lá ngón để tránh gặp các tình huống xấu xảy ra.